Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công
Từ ngày 10/11/2023, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá gồm Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Đối với các chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô công trong thời gian công tác, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP chia làm 3 bậc với 3 mức giá mua xe là 1,5 tỷ đồng, 1,55 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng/xe.
Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
Theo Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất quy định nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có)
Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.
Phân cấp thẩm quyền dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển cho Cục Hàng hải Việt Nam
Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, có hiệu lực từ ngày 27/11/2023.
Theo nghị định, sửa đổi, bổ sung Điều 11 quyết định dừng ngay hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển.
Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở trong trường hợp cơ sở phá dỡ tàu biển để xảy ra tai nạn, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đối với con người, môi trường trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển.
Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 12 quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển.
Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trong các trường hợp sau trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: cơ sở phá dỡ tàu biển không đáp ứng điều kiện hoạt động; vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh; khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; trường hợp không dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.
Ảnh: Bốc dỡ hàng hóa lên sà lan tại cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải
Như vậy, thẩm quyền quyết định dừng ngay, dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển được giao cho Cục Hàng hải Việt Nam thay vì giao cho Bộ Giao thông vận tải như quy định cũ.
Những thông tin của ngành công an được công bố trên mạng Internet
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 45/2023/TT-BCA (có hiệu lực từ 15/11/2023), Bộ Công an phải cung cấp các thông tin sau đây trên môi trường mạng, bao gồm:
Thông tin chỉ đạo, điều hành, hoạt động của lãnh đạo Bộ Công an; tình hình, kết quả các mặt công tác công an. Nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí của người phát ngôn Bộ Công an, người được ủy quyền phát ngôn về các vấn đề liên quan đến công tác công an mà dư luận xã hội quan tâm; thông tin về các vụ án, vụ việc đang được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh mà xét thấy việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng là cần thiết;
Nội dung Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri; lịch tiếp công dân của lãnh đạo Bộ Công an; thông tin đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch về Đảng, Nhà nước, ngành công an và công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; điểm tin Interpol;
Thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm; thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;
Các thông tin chuyên đề: cảnh báo tội phạm; hướng dẫn tố giác tội phạm; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng pháp luật; các điển hình tiên tiến, hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt, gương dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ Công an và các chuyên đề tuyên truyền khác.
Thông tin về các dịch vụ công trực tuyến Bộ Công an đang triển khai thực hiện; các thông tin khác do lãnh đạo Bộ Công an hoặc Chánh Văn phòng Bộ Công an quyết định.