1. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng
Chính phủ ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021 cho các nhớm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
- Tăng thêm 200.000 đồng/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống;
- Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.
2. Điểm mới về điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, một trong những điều kiện để giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề là:
Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; (Hiện hành, yêu cầu 03 năm liên tục)
Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt;
Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức 2010, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.
Xem chi tiết Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2022 và thay thế Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017, Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017.
3. Điểm mới về chính sách vay mua nhà ở xã hội
Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 25/2015/TT-NHNN về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.
Theo đó, Thông tư 20 đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; kể từ ngày 20/01/2022, đối tượng được vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng được nhà nước chỉ định gồm:
- Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP .
- Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP .
Như vậy, kể từ ngày 20/01/2022 việc vay mua nhà ở xã hội được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội.