Vụ đông năm nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Minh Hoà liên kết với 50 hộ dân và công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Vàng (Hưng Yên) trồng 21,5 ha khoai tây theo hình thức liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm ở thôn Ngoại.
Bà Nguyễn Thị Giới ở thôn Ngoại có 3 sào tham gia mô hình liên kết trồng khoai tây. Những năm trước đây, diện tích này sau khi thu hoạch lúa mùa do không có đủ nhân lực để kịp thời vụ làm đất gieo cấy lúa mùa nên bà cũng như nhiều hộ dân bên cạnh đều phải bỏ hoang. Tình trạng này khiến cho đất đai trở nên bạc màu, cỏ mọc nhiều cũng gây nhiều khó khăn cho khâu cày bừa, gieo cấy lúa chiêm xuân. Vụ đông xuân năm 2022-2023, khi được địa phương vận động tham gia mô hình liên kết trồng khoai tây, bà Giới và các hộ dân đều nhất trí cao với phương án cho Hợp tác xã mượn lại ruộng đất, rồi bà cùng với các hộ dân được Hợp tác xã thuê nhân công để trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai theo hình thức trả công theo ngày. Những diện tích sau khi thu hoạch khoai tây, được Hợp tác xã và Công ty cày, bừa, làm đất để gia đình gieo cấy lúa chiêm xuân. Bà Giới phấn khởi cho biết: “Những vụ trước, gia đình chúng tôi thuê 600 nghìn đồng/1 sào tiền làm đất để cấy lúa. Vụ này thì được Hợp tác xã và Công ty làm đất sẵn, chúng tôi đỡ phải mất chi phí và thời gian làm đất. Trong suốt vụ đông vừa qua, tôi được Hợp tác xã thuê trồng, chăm sóc, thu hoạch khoai tây nên cũng giải quyết được việc làm lúc nông nhàn”.
Theo cam kết, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã mượn lại diện tích của các hộ dân trong 3 vụ đông để liên kết với công ty trồng khoai tây. Hợp tác xã có trách nhiệm thuê lại đất, phối hợp cùng với công ty hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm bón và trực tiếp quản lý đồng ruộng, giám sát chặt chẽ quá trình chăm sóc khoai tây và tổ chức thu hoạch, bán cho công ty. Ông Trương Văn Khanh – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Minh Hoà cho biết: “Để khắc phục tình trạng bỏ ruộng trong vụ đông, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã họp bàn, thống nhất với các hộ dân ở thôn Ngoại triển khai thực hiện liên kết với công ty Nông nghiệp vàng trồng khoai tây gắn với bao tiêu sản phẩm. Hội nghị họp công khai, dân chủ. Đến nay, mô hình đã cho hiệu quả. Năng suất khoai tây đạt 22 tấn/ha, giá trị kinh tế 222 triệu đồng”.
Đây là mô hình liên kết trồng khoai tây đầu tiên của thị xã đã cho thấy hiệu quả trong liên kết 3 nhà để sản xuất. Khắc phục được tình trạng người dân không trồng vụ đông, xử lý tình trạng đất bạc màu và giúp người nông dân có thu nhập những lúc nông nhàn. ĐỐi với Hợp tác xã, đây là mô hình để nâng cao vai trò hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang đến lợi nhuận cho thành viên để gắn bó hơn với hoạt động. Đối với doanh nghiệp, mô hình góp phần đảm bảo tốt nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị, mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng khoai tây theo chuỗi liên kết tại thị xã Kinh Môn đã thành công, mở ra hướng đi mới cho nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Ông Nguyễn Xuân Hạ - Trưởng phòng kinh tế thị xã cho biết: “Với hiệu quả kinh tế cao, mô hình liên kết trồng khoai tây ở Minh Hoà cần được các địa phương học tập, nhân rộng. Các cơ quan chuyên môn sẽ hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao khả năng canh tác cho các hộ dân để làm cơ sở nhân rộng mô hình”./.
Thu Xuân