Nghi lễ dâng hương tưởng niệm ngày quốc sư Thuỷ Nguyệt nhập niết bàn tại di tích chùa Nhẫm Dương
Di tích chùa Nhẫm Dương được xây dựng từ thời Trần, nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Chùa Nhẫm Dương, còn gọi là chùa Thánh Quang gắn liền với sự "hóa thánh," nghĩa là sự viên tịch kỳ lạ của vị đệ nhất tổ sư phái Tào Động là quốc sư Thủy Nguyệt. Dấu tích của sự viên tịch này vẫn còn lưu giữ trong hang Thánh Hóa cùng hang Tĩnh Niệm phía sau chùa và được sử sách ghi lại rất rõ trên văn bia bằng chữ Hán.
Hòa thượng Thủy Nguyệt, sinh năm 1637, quê ở đạo Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Năm 20 tuổi, Thủy Nguyệt xuất gia tại chùa Xã Hồ, huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Năm 28 tuổi, ông hành hương sang nước ngoài tầm sư học đạo. Trải qua thời gian khổ luyện tu hành, Hòa thượng Thủy Nguyệt thành chính pháp, được ban pháp hiệu và cho về nước để truyền pháp. Tính theo hệ phái, Hòa thượng Thủy Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Thiền phái Tào Động Trung Hoa và là Đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam.
Nghi lễ thả bóng bay - cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà tại Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương
Với ân đức tu hành, Thiền sư Thủy Nguyệt đã khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương làm nơi thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Thiền sư còn đi truyền bá Phật pháp ở chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn, khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội... Đến năm 1704, Thánh tổ Thủy Nguyệt viên tịch. Các đệ tử tiếp tục sự nghiệp truyền pháp, đưa Tào Động trở thành môn phái nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam và ngày viên tịch của Thánh tổ được lấy làm ngày tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương (ngày 5/3 âm lịch hàng năm) với nhiều nghi lễ truyền thống được bảo tồn và không gian văn hoá độc đáo.
Hiện nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thị xã tập trung khảo sát điền dã sưu tầm, dịch thuật tư liệu, khảo tả di tích và diễn trình lễ hội, viết lý lịch di sản lễ hội chùa Nhẫm Dương; chụp ảnh tư liệu về di tích và lễ hội, lựa chọn ảnh đưa vào hồ sơ; ghi hình, dựng phim; ghi âm tư liệu, phỏng vấn cộng đồng về di sản; xây dựng bản đồ phân bố di sản. Thời gian thực hiện từ tháng 3, đến tháng 10 sẽ hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc đưa lễ hội chùa Nhẫm Dương, ở phường Duy Tân ( thị xã Kinh Môn) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm để thế hệ đương thời tiếp tục bảo tồn và phát huy lâu dài; thu hút nhân dân địa phương tham gia và sáng tạo văn hóa./.
Thu Xuân