Hội nghị đã có 6 ý kiến tham gia về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của ngành quân sự, công an, kinh tế, lãnh đạo các xã, phường An Sinh, Phạm Thái, Lê Ninh, chia sẻ khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên cơ sở đó, UBND thị xã triển khai phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp và phòng, chống cháy rừng, thị xã xác định 4 khu vực trọng điểm dễ xảy ra rừng: khu vực di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt An phụ, diện tích 564,4 ha, rừng trồng thông, keo các loại thuộc các xã, phường An Phụ, Phạm Thái, An Sinh, Thượng Quận, Hiệp Hoà; khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa các xã Lê Ninh và Quang Thành diện tích 341,9 ha; rừng thông thuần loài Hiệp Sơn, diện tích 66,2 ha; rừng trồng thông, keo diện tích 104,2 ha phường Tân Dân.
Mỗi khu vực trọng điểm, thị xã bố trí nhân lực tham gia từ 150 người đến 300 người gồm lực lượng tại chỗ ( lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng bán chuyên trách cơ sở, một số doanh nghiệp trên địa bàn) và lực lượng cơ động (Ban chỉ huy quân sự, công an, Hạt kiểm lâm, Trạm quản lý rừng và một số đơn vị đóng quân trên địa bàn). Lực lượng quân sự giữ vai trò nòng cốt, cấp phát đầy đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy. Tuỳ vào cấp độ cháy rừng, Ban chỉ đạo thị xã báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cơ quan liên quan hỗ trợ.
Đồng chí Lê Văn Điền-Phó chủ tịch UBND thị xã giao nhiệm vụ cơ quan chuyên môn chủ động phương án phòng chống cháy rừng, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, cảnh báo, tới các địa phương, đơn vị, chủ rừng và người dân về cấp độ cảnh báo cháy rừng, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần cần thiết để chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Các xã, phường thuộc khu vực rừng trọng điểm dễ cháy cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp thức tế của địa phương, thường xuyên rà soát, tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở, tích cực tuyên truyền, nghiêm cấm người dân không có nhiệm vụ vào rừng và hoạt động sản xuất kinh doanh trong rừng như phát, đốt dọn thực bì, đốt lửa trong và ven rừng, kịp thời phát hiện điểm cháy và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. UBND thị xã đề nghị Chi cục kiểm lâm tỉnh, Sở tài nguyên và Môi trường rà soát, hướng dẫn các xã, phường quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, nhất là diện tích thuộc đất rừng sản xuất giao cho người dân sử dụng mục đích, đúng theo quy định của pháp luật./.
Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn