Có một số quốc gia được các đối tượng buôn người "tô vẽ" là nơi kiếm tiền dễ dàng mà không phải tốn sức. Các đối tượng đánh vào khao khát làm giàu mau chóng của nhiều người, thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những lao động ở các vùng sâu, vùng xa để lừa đảo.
Tuy nhiên, thực tế tại đây lại phơi bày sự thật nghiệt ngã - các nạn nhân bị hành hạ, ép vào các cơ sở lao động, làm các công việc trái luật và chịu sự giám sát nghiêm ngặt của đội ngũ bảo vệ.
Thống kê của Bộ Ngoại giao vào tháng 9/2022 cho thấy, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp về nước an toàn. Đây là những con số thống kê được, thực tế vẫn còn nhiều gia đình có người thân bị giữ, phải bỏ tiền chuộc về hoặc chưa về được.
Vỡ mộng với miền đất hứa, nhiều lao động chọn giải pháp chực chờ lúc các nhân viên bảo vệ sơ hở để đào thoát, vượt qua biên giới với hy vọng duy nhất, còn sống sót trở về.
Minh chứng rõ nhất là vào tháng 8/2022, hơn 40 người tháo chạy khỏi casino, nhảy sông Bình Di (tỉnh An Giang) để nhập cảnh trái phép về Việt Nam, vụ việc gây rúng động dư luận.
Đáng nói, thực trạng nêu trên đã được Bộ Công an và công an các địa phương cảnh bảo từ rất sớm, không phải đợi đến khi xảy ra sự việc 40 lao động đào thoát, vượt sông qua biên giới để trở về quê hương.
Cụ thể, vào tháng 7/2022, Bộ Công an phát đi cảnh báo: "Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc do bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...trên không gian mạng.
Bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000-30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau".
Theo Bộ Công an, các đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng là người Việt hiện hoạt động tại Campuchia. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.
Thông qua Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác đồng thời tố giác các đối tượng nghi vấn đến cơ quan chức năng.
Không chỉ cảnh báo thủ đoạn, Bộ Công an đã chỉ rõ 'địa chỉ' cưỡng bức lao động Việt Nam ở Campuchia. Theo Bộ Công an, các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bà Vẹt – tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay – tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile - tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom – tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh.
Trong cảnh báo phát đi, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm như sau: Người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.
Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào. Đặc biệt, nên tham khảo ý kiến của mọi người, cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý./.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhung-canh-bao-tu-bo-cong-an-ve-duong-day-viec-nhe-luong-cao-2096696.html