NÔNG THÔN MỚI
Lưu ý các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa chiêm xuân đầu vụ
13/03/2023 07:54:24

Lưu ý các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa chiêm xuân đầu vụ
Vụ lúa xuân năm nay, thị xã gieo cấy 5 nghìn 760 héc ta. Đến nay, nông dân đã cơ bản hoàn thành gieo cấy, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại.

Thời tiết đầu vụ gieo cấy gặp rét làm cho lúa bén rễ hồi xanh, sinh trưởng và phát triển chậm. Do đó, nông dân chăm bón tập trung, sâu sát kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh, chuột hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Về chăm sóc và phân bón: Bón phân NPK đã được cân đối dinh dưỡng, phân bón hữu cơ, sinh học để cây lúa hấp thu dinh dưỡng và sinh trưởng phát triển tốt.

Giai đoạn này, nông dân cũng cần tập trung tỉa dặm, cấy bổ sung những diện tích lúa cấy thưa, chuột cắn hại. Trên những diện tích gieo cấy sớm, khi lúa đã bén rễ hồi xanh nếu chưa bón thúc phải khẩn trương tiến hành tỉa dặm bảo đảm đúng mật độ, đồng thời bón thúc sớm, bón đủ lượng bằng phân N P K tổng hợp theo nhu cầu của từng giống lúa và quy trình của từng loại phân bón khi thời tiết ấm để lúa đẻ nhánh thuận lợi.

Đối với các giống lúa lai, sử dụng các loại phân N P K có hàm lượng ka li cao để bón, lượng bón cao hơn so với lúa thuần khoảng 10% tổng lượng của một lần bón để bảo đảm nhu cầu. Ở những chân ruộng trũng, đất chua, có nhiều rong rêu, những diện tích bị vàng lá, nghẹt rễ sinh lý, cây lúa chậm sinh trưởng phải bón bổ sung thêm 10-15 ki lô gam vôi bột trên sào để khử chua, diệt rong rêu kết hợp với làm cỏ sục bùn tạo bộ rễ thông thoáng để hút dinh dưỡng (kể cả những trường hợp đã phun thuốc trừ cỏ); sử dụng phân bón qua lá chuyên dùng cho lúa, loại kích thích rễ để phun, khi cây lúa hồi phục mới tiến hành bón thúc.

Về chế độ nước tưới: Điều tiết nước hợp lý theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa, thường xuyên giữ mực nước láng mặt ruộng từ 1 đến 3 xen ti mét, không để ruộng lúa bị khô hạn.

Về phòng trừ sâu bệnh: Để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp các xã/phường cần tăng cường hỗ trợ, khuyến cáo nông dân tập trung diệt chuột. Theo dõi chặt chẽ ốc bươu vàng trên đồng ruộng trước và sau gieo cấy, nơi xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ cao cần phòng trừ bằng biện pháp bắt thủ công hoặc dùng thuốc đặc hiệu. Lưu ý: Thuốc trừ ốc bươu vàng rất độc với tôm, cua, cá nên không rút nước xuống ao, hồ sau khi dùng thuốc. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ trên lúa an toàn, hiệu quả bằng các thuốc có chứa hoạt chất an toàn, thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm theo liều lượng, thời gian được khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất./.

Thu Xuân
Bốn bài hát hay nhất về Hải Dương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THĂNG LONG  - THỊ XÃ KINH MÔN

Trưởng Ban Biên tập: Trần Văn Khải - Phó chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Thăng Long, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 

Email: ubndxathanglong34@gmail.com

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0