Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nông dân thị xã Kinh Môn đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp
17 năm làm kinh tế trang trại, Nguyễn Văn Mạnh (khu dân cư Ngư Uyên) hiện là 1 trong những hộ chăn nuôi gà siêu trứng lớn nhất ở thị xã Kinh Môn. Sau nhiều lần thất bại do dịch bệnh, giá cả, anh nhận ra không thể chăn nuôi quy mô lớn theo kiểu truyền thống, nên đầu tư bài bản, khoa học hơn. Hiện trang trại của gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi hơn 2héc ta: quy hoạch 3 khu chuồng, quy mô 1,6 vạn gà đẻ trứng. Bình quân mỗi năm, trang trại cung cấp khoảng 5-6 triệu quả trứng gà thương phẩm, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Từ cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, có thời điểm trứng gà khó tiêu thụ anh lại tích luỹ thêm được kiến thức là để phát triển trong thời đại công nghệ số, ngành chăn nuôi phải tích hợp giữa nâng cao chất lượng sản phẩm với quảng bá, xây dựng thương hiệu và kênh phân phối riêng bằng công nghệ. Mục tiêu của anh Mạnh là trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển 2 trại gà quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng và đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ đợt dịch bệnh Covid-19 này cho thấy nở rộ các kênh bán hàng nông sản trên mạng xã hội. Các sản phẩm nổi tiếng của nông nghiệp Kinh Môn như: Bột sắn dây, gạo nếp cái Hoa vàng, hành tỏi, cam ngọt, mật ong vv…được các tổ chức, cá nhân tích cực quảng bá, giới thiệu bán hàng trên mạng Facebook và thấy hiệu quả rõ nét. Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội trở thành kênh thông tin phổ biến với mọi người thì cũng là kênh để quảng bá, bán hàng hiệu quả, nhất là với các mặt hàng nông sản khi “chợ truyền thống” đang dần bị lu mờ.
Doanh nghiệp Phương Khiêm là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ mới để chế biến nông sản của thị xã Kinh Môn theo hướng chuyên sâu thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP
Còn theo anh Nguyễn Văn Thuấn - Chủ tịch Hợp tác xã nông sản sạch Bạch Đằng chi biết: “từ cuối tháng 9, sản phẩm Thanh Long ruột đỏ của đơn vị đã được cấp chứng nhận để xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ áp dụng công nghệ, từ việc dán tem truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử cho đến sử dụng công nghệ số mà hợp tác xã có thể nắm rõ đường đi của các lô hàng, thời gian đến địa điểm giao hàng cũng như những thông tin phản hồi để có biện pháp điều chỉnh trong những đợt hàng tiếp sau”.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm "thay da đổi thịt" nông nghiệp.
Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp của thị xã vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng 7,7%, Cụ thể: Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đạt 2.318 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch, tăng 7,7%. Giá trị sản phẩm trên 1 héc ta đất nông nghiệp đạt 265 triệu đồng, vượt xa so với bình quân chung cả tỉnh. Năm 2021, thị xã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá và thực hiện chuyển đổi số thì còn không ít những vấn đề đang đặt ra như nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa và chuyển đổi số còn hạn chế nên sự đầu tư cho các mô hình theo hướng tập trung chưa tương xứng, vẫn còn nhiều băn khoăn trong quá trình tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm từ nông nghiệp mà đợt dịch Covid-19 lần này là một minh chứng rõ nét; người nông dân còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất được kịp thời hơn Giải quyết, tháo gỡ được những khó khăn trên sẽ giúp khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ "dòng chảy" chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp./.
Nguồn: cổng thông tin điện tử thị xã Kinh Môn